GIA CÔNG CHẤN CHẶT

Nhận Diện 3 Điểm Yếu Cố Hữu Của Doanh Nghiệp Cơ Khí Việt Nam

Công nghệ, thiết bị lạc hậu

Hiện công nghệ, thiết bị của các công ty cơ khí trong nước đi sau khoảng 30 – 40 năm so với khu vực và 50 – 60 năm so với thế giới. Phần lớn các thiết bị đã qua nhiều năm sử dụng, tính năng kỹ thuật đã lạc hậu, độ chính xác kém nên sản phẩm tạo ra thiếu sức cạnh tranh về chất lượng lẫn giá cả.

Ví dụ như khâu tạo phôi, khâu gia công kim loại vẫn sử dụng các loại máy lạc hậu, thiếu chính xác; công nghệ cổ điển, trình độ tự động hóa thấp. Ngành chế tạo máy công cụ tuy đã ứng dụng công nghệ điều khiển số hiện đại như CNC, CAD/CAM nhưng độ chính xác không cao.

Trong khi máy móc, công nghệ lạc hậu thì các công ty cơ khí lại thiếu vốn đầu tư để đổi mới, hiện đại hóa thiết bị, công nghệ. Thêm vào đó, tuy là ngành công nghiệp trọng điểm nhưng vốn đầu tư cho ngành cơ khí còn rất thấp, khiến các nhà máy cơ khí có “tuổi thọ cao” lại phải ra sức cáng đáng việc sản xuất cho toàn ngành.

Nguồn nhân lực thiếu và yếu về số lượng lẫn chất lượng

Hiện các công ty, xí nghiệp cơ khí phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt lao động nghiêm trọng, nhất là kỹ sư, cán bộ kỹ thuật, công nhân có tay nghề cao. Phần lớn đội ngũ nhân lực chưa đáp ứng được đòi hỏi của nền sản xuất cơ khí công nghệ cao như thiếu kiến thức về các công nghệ mới, trình độ chuyên môn chưa cao.

Hơn nữa, lao động trong ngành cơ khí chưa có sự hợp tác, liên kết chặt chẽ với nhau, khả năng làm việc nhóm thấp. Những người có trình độ, kỹ thuật cao thường “giấu nghề”, không chịu chia sẻ kinh nghiệm cho người khác.

Thêm vào đó, các doanh nghiệp chưa xây dựng được đội ngũ nghiên cứu, tư vấn, thiết kế công nghệ và thiết kế chế tạo. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng thiếu sự liên hệ chặt chẽ với các trường để đặt hàng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thực tế.

Các doanh nghiệp thiếu sự hợp tác, liên kết với nhau

Doanh nghiệp cơ khí của chúng ta được ví như một bó đũa, các doanh nghiệp đơn lẻ thì mạnh nhưng sức liên kết lại rất yếu, khả năng hợp tác hóa, chuyên môn hóa thấp nên vẫn thất thế khi cạnh tranh với các công ty cơ khí nước ngoài ngay cả ở trên sân nhà.

Các doanh nghiệp Việt Nam hầu như chỉ làm cơ khí khép kín, đảm nhận các khâu từ A đến Z nên không sử dụng hết được năng lực của máy móc hiện có cũng như không thể phát triển công nghệ, bổ sung số lượng và chất lượng nguồn nhân lực. Vì thiếu sự liên kết giữa các doanh nghiệp với nhau, giữa doanh nghiệp với Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí Việt Nam nên các công ty cơ khí chưa tạo được sức cạnh tranh, xây dựng và bảo vệ thị trường cơ khí trong nước.

Do đó, các doanh nghiệp cần tăng cường chuyên môn hóa, hợp tác hóa, tránh đầu tư trùng lắp, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và toàn ngành cũng như tận dụng được tối đa năng lực, thế mạnh của từng đơn vị. Thêm nữa, doanh nghiệp cũng cần chủ động tìm hướng đi riêng, thâm nhập vào chuỗi sản xuất toàn cầu nhằm tiếp thu công nghệ mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, từ đó thúc đẩy ngành cơ khí trong nước phát triển.

BForum - The world's leading Blockchain Forum mywebsite.vn